Viêm tắc ống dẫn trứng là một trong những tình trạng viêm chính của bệnh lý viêm vùng chậu. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, phụ nữ có kinh và gây ra nhiều ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Cách chữa viêm ống dẫn trứng còn phụ thuộc vào mức độ bệnh: cấp hay mãn tính.

1. Nguyên nhân viêm ống dẫn trứng

Nguyên nhân gây viêm tắc ống dẫn trứng thường do:

  • Các cơ quan lân cận bị viêm nhiễm (viêm âm đạo, viêm vùng chậu..)
  • Quan hệ tình dục không an toàn;
  • Do sang chấn của các thủ thuật sản phụ khoa (nạo hút thai, đặt vòng...) gây nên.
  • Do nấm và các vi khuẩn khác có sẵn trong cơ thể (liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, lậu cầu khuẩn, khuẩn Chlamydia...).

2. Triệu chứng viêm ống dẫn trứng

Viêm tắc ống dẫn trứng chia ra làm 2 loại:

  • Viêm tắc ống dẫn trứng cấp tính: thường được phát hiện khi bệnh nhân đi khám ra nhiều khí hư, nấm âm đạo, nhiễm khuẩn âm đạo lâu không được điều trị, có thể kèm theo đau tức bụng, ra máu bất thường...
  • Viêm tắc ống dẫn trứng mãn tính: không có biểu hiện điển hình, tương tự như các bệnh phụ khoa khác. Chỉ được phát hiện sau khi đi khám vô sinh, hiếm muộn mới phát hiện.

3. Tác hại của viêm tắc ống dẫn trứng

Viêm tắc ống dẫn trứng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chị em phụ nữ:

  • Cảm giác khó chịu trong sinh hoạt.
  • Đau bụng, ra máu bất thường
  • Vô sinh

Thậm chí nếu không được phát hiện và điều trị đúng, viêm tắc ống dẫn trứng có thể gây ra các biến chứng:

  • Viêm nhiễm lan rộng, lan sang các cơ quan lân cận như buồng trứng hoặc tử cung.
  • Áp xe phần phụ: có khoảng 15% trường hợp bị viêm tắc ống dẫn trứng tiến triển thành áp xe phần phụ. Nếu không điều trị có thể dẫn tới viêm phúc mạc chậu, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng huyết thậm chí là tử vong.
  • Thai ngoài tử cung: Khi ống dẫn trứng bị tắc do viêm nhiễm, trứng đã được thụ tinh không thể vào tử cung mà làm tổ ở vị trí khác trong khoang bụng hoặc phát triển ngay trong không gian hạn chế của ống dẫn trứng.
  • Vô sinh: bệnh viêm tắc ống dẫn trứng có thể làm tắc nghẽn hoặc ứ dịch gây mất chức năng của ống dẫn trứng ở cả 2 bên. Điều này khiến tinh trùng không thể vượt qua vị trí tắc để đến với trứng dẫn đến việc khó thụ thai. Khi một đợt viêm ống dẫn trứng nguy cơ vô sinh tăng lên 15%, nguy cơ này tăng lên 50% nếu viêm tắc ống dẫn trứng lặp lại 3 lần.

4. Phương pháp điều trị viêm ống dẫn trứng

Nếu bệnh nhân phát hiện bị viêm tắc ống dẫn trứng ở giai đoạn cấp hoặc mãn thì có 2 hướng điều trị như sau:

  • Viêm tắc ống dẫn trứng cấp tính thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Để điều trị tốt các bác sĩ thường đề ra kháng sinh đồ để điều trị.
  • Viêm tắc ống dẫn trứng mãn tính: hướng đến điều trị nội khoa, bơm thuốc, kháng sinh vào điều trị viêm vòi trứng hoặc nếu không hiệu quả thì cân nhắc phẫu thuật.

Cụ thể:

  • Phương pháp khống chế lây nhiễm (còn gọi là phương pháp nội khoa): Căn cứ vào loại vi khuẩn gây bệnh và kết quả thử nghiệm độ mẫn cảm với thuốc, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể với loại kháng sinh hiệu quả.
  • Phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu: tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, có lợi cho việc tiêu viêm (ví dụ như: bước sóng ngắn, siêu sóng ngắn, liệu pháp chiếu nhiệt, tia hồng ngoại...).
  • Phương pháp chữa trị thông thường: trong quá trình điều trị cần kết hợp với luyện tập hàng ngày, thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất.

5. Phòng ngừa viêm ống dẫn trứng

Để phòng ngừa viêm tắc ống dẫn trứng và giảm thiểu tình trạng bệnh, hỗ trợ cho việc điều trị viêm ống dẫn trứng nói riêng và các bệnh phụ khoa nói chung, các chị em nên:

  • Chú ý vệ sinh sạch sẽ nhất là trước và sau khi quan hệ, trong những ngày hành kinh để tránh vi khuẩn xâm nhập.
  • Nếu chưa sẵn sàng với việc có thai, nên thực hiện tốt các phương pháp tránh thai, xây dựng lối sống tình dục lành mạnh và an toàn.
  • Cảnh giác cao với việc phá thai không an toàn. Khi bất đắc dĩ phải bỏ thai thì cần chọn các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín.
  • Nếu mắc bệnh phụ khoa cần điều trị kịp thời nhằm tránh lây lan sang các bộ phận khác.
  • Khi sinh nở hoặc đặt vòng tránh thai cần khử trùng dụng cụ y tế sạch sẽ để tránh viêm nhiễm.
  • Chủ động trong việc khám sức khỏe, khám phụ khoa định kỳ. Khi có biểu hiện bất thường thì cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

Để giúp khách hàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản dành cho khách hàng là nữ giới, không giới hạn độ tuổi và có thể có những triệu chứng như sau:

  • Chảy máu bất thường vùng âm đạo
  • Gặp vấn đề về kinh nguyệt: chu kỳ kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều
  • Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường)
  • Đau, ngứa vùng kín
  • Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
  • Khách hàng nữ có triệu chứng khác như: Dịch âm đạo bất thường, ngứa, đau vùng kín, chảy máu âm đạo bất thường.