Khả năng thụ thai bị cản trở rất nhiều khi bị các bệnh lý liên quan đến các bộ phận sinh sản (âm đạo, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng). Ở một mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, các bệnh lý có thể dẫn tới các hiện tượng như vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.

1. Điều kiện để thụ thai

Hiện tượng thụ thai chỉ xảy ra khi tinh trùng tiếp xúc với trứng. Đó là khoảng thời gian phóng noãn khi nang noãn được phóng từ buồng trứng được loa vòi hứng và đưa vào lòng ống dẫn trứng. Khi quan hệ vào những ngày này, tinh trùng có khả năng cao gặp noãn tại 1⁄3 ngoài ống dẫn trứng, khi đó hiện tượng thụ tinh xảy ra. 5 ngày sau thụ tinh, phôi thai di chuyển dần từ ống dẫn trứng đến buồng tử cung để làm tổ và phát triển dần thành bào thai.

Do vậy người phụ nữ muốn thụ thai tự nhiên thì cần phải một hệ sinh dục lành mạnh, không gặp các vấn đề bệnh tật tại các cơ quan âm hộ, âm đạo, tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng. Nếu không quá trình thụ thai sẽ vô cùng khó khăn.

2. Các bệnh lý gây cản trở việc thụ thai ở phụ nữ

2.1 Bệnh lý âm hộ, âm đạo và cổ tử cung

Một số bệnh lý do bất thường trong cấu tạo giải phẫu như màng trinh bít, vách ngăn ngang âm đạo, bất sản âm đạo, bít lỗ cổ tử cung có thể làm khó khăn trong việc giao hợp, làm giảm khoái cảm, một số trường hợp không có kinh nguyệt. Vì vậy cần đi khám để có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Bệnh gây rối loạn hormon testosterone và LH làm các nang noãn không thể phát triển, trứng không thể trưởng thành nên không có hiện tượng rụng trứng. Từ đó gây ra các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, rậm lông, mụn, thừa cân, rụng tóc,... Kinh nguyệt không đều và chất lượng trứng giảm thì hiện tượng thụ thai rất khó diễn ra.
  • Áp xe 2 buồng trứng: Đây là một bệnh nghiêm trọng có thể gây vô sinh, do các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục xâm nhập vào tử cung, lan lên buồng trứng và vòi trứng. Tình trạng tụ mủ ở buồng trứng làm giảm chức năng buồng trứng, gây ra các tổn thương lâu dài.
  • Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng: Là hiện tượng tuyến niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài lòng tử cung làm thay đổi cấu trúc, giải phẫu buồng trứng và vùng chậu, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
  • Ung thư buồng trứng: Là hiện tượng xuất hiện khối u ác tính ở buồng trứng. Hầu hết bệnh nhân ung thư buồng trứng đều phát hiện ở giai đoạn muộn nên đều phải phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị.
  • Suy chức năng buồng trứng sớm: Là hiện tượng buồng trứng bị lão hóa sớm từ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Khi gặp tình trạng này, phụ nữ thường có biểu hiện chu kỳ kinh nguyệt bất thường, loãng xương, trầm cảm, lo âu và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, thậm chí là vô sinh. Chức năng buồng trứng giảm thì chất lượng trứng, quá trình thụ thai và làm tổ cũng ít có khả năng.
  • Rối loạn rụng trứng: Đó là hiện tượng người phụ nữ không gặp phải bất kỳ bệnh lý tại hệ sinh sản nào nhưng trứng lại rụng không đều, thời gian rụng cách xa nhau hoặc không rụng trứng. Cần được làm xét nghiệm và siêu âm để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

2.3 Bệnh lý ống dẫn trứng

  • Tắc ống dẫn trứng: Ống dẫn trứng có thể bị tắc một phần hay tắc hoàn toàn, làm chậm hoặc ngăn cản tinh trùng gặp trứng, tức ngăn cản quá trình thụ thai.
  • Ứ dịch ống dẫn trứng: Xảy ra do hậu quả của các viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, tiền sử phẫu thuật vùng chậu,... Ứ dịch cũng giống như tắc ống dẫn trứng làm ngăn cản tinh trùng gặp trứng.

2.4 Bệnh lý tử cung, nội mạc tử cung

  • Polyp nội mạc tử cung: Polyp lòng tử cung là một trong những nguyên nhân gây ra hiếm muộn ở nữ giới. Khi kích thước polyp lớn hoặc đa polyp sẽ ảnh hưởng tới sự di chuyển của tinh trùng và sự làm tổ của trứng.
  • Viêm nội mạc tử cung: Là hiện tượng buồng tử cung bị viêm nhiễm, thường xảy ra do một số thủ thuật can thiệp không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, nạo sinh thiết, đặt vòng, lấy vòng. Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và cuối cùng dẫn đến các hiện tượng vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Là ung thư phát triển từ nội mạc tử cung với các biểu hiện như ra máu âm đạo bất thường, khí hư nhiều, có mùi hôi, đau vùng chậu. Ung thư không được phát hiện sớm có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung.
  • Dính buồng tử cung: Hiện tượng lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương làm thành tử cung phía trước và phía sau dính vào với nhau được gọi là dính buồng tử cung làm khả năng làm tổ của trứng sau khi thụ thai.

2.5 Bệnh lý cơ tử cung

  • U xơ tử cung: Là loại u lành tính hình thành từ cơ trơn của tử cung. Phần lớn u xơ tử cung không ảnh hưởng đến khả năng mang thai, chỉ có khoảng 5 – 10% phụ nữ có UXTC bị hiếm muộn. Những khối u có kích thước lớn, hoặc ở những vị trí bất thường sẽ gây khó thụ thai.
  • Lạc nội mạc trong cơ tử cung: Là một bệnh lý lành tính, khi các mô tuyến của lớp nội mạc tử cung hiện diện bên trong lớp cơ của tử cung gây đau bụng kinh rất dữ dội. Bệnh làm giảm khả năng thụ thai và ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.
  • Sarcoma tử cung: Là bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm 1-3% các trường hợp ung thư tử cung. Nhìn chung bệnh thường được phát hiện muộn, bệnh thường được chẩn đoán sau khi có kết quả sinh thiết ở những phụ nữ được bóc nhân xơ hay cắt tử cung vì u xơ.